Gui ban Hoang Lan, tang 5
Tôi lập gia đình cách đây 5 năm và đã có một cậu con trai 3 tuổi. Là cháu đầu tiên nên con tôi rất được ông bà nội ngoại và họ hàng chiều chuộng. Của đáng tội nó là một đứa trẻ thông minh, sáng láng, đáng yêu nên ai gặp cũng thích, cũng yêu quý. Trong gia đình thì khỏi nói, nó như một "thiên thần", một "vũ trụ" mà cả nhà vây quanh trong tình yêu thương vô cùng lớn. Chính điều này khiến tôi lo sợ. Tôi muốn bảo ban cháu, muốn uốn nắn cháu ngay từ bây giờ nhưng lại gặp trở ngại rất lớn là ông bà cháu quá yêu chiều cháu - luôn bênh vực, bao che một cách quá đáng (chúng tôi còn đang ở chung với ông bà). Dù biết có những lúc cháu làm sai, hư nhưng ông bà luôn tìm cớ bênh vực. Tôi và chồng tôi không biết nên làm thế nào cả để vừa dạy con vừa không làm mất lòng cha mẹ. Tôi đã thấy biểu hiện ích kỷ rất rõ nơi cháu. Tôi phải làm gì bây giờ?
Hoàng Lan thân mến,
Xin lỗi rằng đã chậm trả lời bạn. Phần vì một trục trặc kỹ thuật nhỏ, tôi không vào được diễn đàn này, nhưng phần chủ yếu là tôi đã nghĩ rất nhiều để trả lời bạn. Đây là một chủ đề mà không thể chỉ ít dòng chữ mà có thể trả lời hết được. Những điều ngắn gọn nhất mà tôi có thể nói với bạn là
- Hãy sử dụng một chiến thuật thông minh. Hãy dạy cháu quan tâm đến người khác, trước hết là đến ông bà. Mỗi khi bạn có điều gì tốt đẹp để làm cho ông bà, để mang lại cho ông bà, hãy cho cháu thay mặt các bạn làm điều ấy, những gì mà cháu có thể làm. Ví dụ, mỗi lần ăn hoa quả, bạn hãy bảo cháu bưng đến mời ông bà trước. Hãy uốn nắn lời ăn tiếng nói của cháu, trước hết là với ông bà, sau tới mọi người trong nhà.
- Hãy lựa lúc nói rõ suy nghĩ của mình với ông bà. Việc này tiện nhất là để chồng bạn thực hiện. Chỉ nói nguyên tắc, và nói rõ rằng mình muốn con mình thành người tốt, biết tôn trọng chăm sóc ông bà bố mẹ, theo gương ông bà, bố mẹ… Hãy xin ý kiến các cụ để thực hiện điều mình mong muốn, đưa các cụ vào cuộc. Đừng sa vào trình bày các công việc cụ thể kẻo các cụ lại tự ái. Nhân tiện, chắc bạn cũng thấy rằng người lớn tuổi có nhiều duyên cớ để tự ái lắm (Chúng tôi nào còn giá trị gì, chúng tôi lạc hậu, chúng tôi đâu có đẻ ra nó v.v…). Rút cục thì các cụ muốn có người cần mình, mình còn có uy tín. Mắng mỏ dỗi giằn đôi khi còn là… trò chơi của các cụ nữa. Rồi ta cũng thế ấy mà.
- Điều gì bạn muốn con bạn làm, hãy tự làm, làm thường xuyên. Tác phong, tính cách chẳng phải dùng nêm mà đóng vào trong lòng con người được. Nghĩa là bạn phải kiên nhẫn, từng giây từng phút tự kiểm soát hành động của mình. Ngày qua ngày, hàng năm trời, bạn sẽ có kết quả.
- Đừng cáu giận, đừng to tiếng, đừng nói nhiều. Hãy tỏ ra chắc chắn và tự tin trước con bạn. Sự cáu giận to tiếng và nói nhiều sẽ làm con bạn thấy bạn bất lực trước cháu. Ngoài ra, việc này chỉ thỏa mãn nỗi âu lo của chính bạn. Hãy quan tâm đến hiệu quả, bỏ cảm xúc của mình sang một bên.
Cảm ơn Hoàng Lan, bạn đã gửi cho tôi một câu hỏi rất đáng trân trọng. Lòng tốt là tài sản vô giá trên thế gian. Người ích kỷ nhất thời kiếm được lợi ích cho riêng mình, nhưng có lẽ chẳng thể nào có những người bạn, người đồng chí thực sự. Nếu các bạn trân trọng những giá trị của lòng tốt, và kiên trì trong việc này, tôi tin rằng các bạn sẽ thành công.
Mong sao tiếng cười luôn luôn vang lên trong gia đình bạn.
LazyKnight
0 Comments:
Post a Comment
<< Home